Tản mạn về cọc thí nghiệm

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ bàn luận với các bạn một số câu hỏi thường gặp về cọc thí nghiệm.

1. Số lượng cọc thí nghiệm là bao nhiêu?

Số lượng cọc thí nghiệm được quy định tại mục 3.6 TCVN 9393:2012.

Cụ thể, số lượng cọc thí nghiệm thông thường lấy bằng 1% tổng số cọc của công trình nhưng trong mọi trường hợp không ít hơn 2 cọc.

Như vậy, tối thiểu trong 1 công trình phải có ít nhất 2 cọc thí nghiệm.

Tiêu chuẩn có ghi thông thường, như vậy con số 1% là không bắt buộc. Con số này phụ thuộc và điều kiện đất nền, kinh nghiệm thiết kế… Thực tế, chúng tôi đã làm một công trình có số lượng cọc thí nghiệm là 0.5% tổng cọc công trình.

Về 1% tổng số cọc của công trình là lấy toàn bộ cọc của công trình, chứ ko phải 1% của từng loại cọc.

Ví dụ:

+ Dự án có tổng 110 cọc. Số lượng cọc thí nghiệm là 2 cọc.

+ Dự án có 50 cọc D400, 120 cọc D600. Số lượng cọc thí nghiệm là 2 cọc, D400 – 1 cọc, D600 – 1 cọc.

2. Thời gian từ lúc kết thúc thi công đến lúc thí nghiệm là bao lâu?

Thời gian nghỉ từ khi kết thúc thi công đến khi thí nghiệm được quy định mục 3.6 TCVN 9393:2012.

Theo đó, thời gian cần thiết là tối thiểu 21 ngày đối với cọc khoan nhồi, và tối thiểu 7 ngày đối với cọc khác (cọc ép, cọc đóng….)

3. Đối với cọc nhồi, nếu dùng phụ gia ninh kết nhanh R7 thì có rút được thời gian chờ xuống 7 ngày không?

Theo chúng tôi, trong tiêu chuẩn không có ghi chú về việc được giảm thời gian chờ, và yêu cầu tối thiểu 21 ngày.

Thời gian 21 ngày không chỉ để bê tông đảm bảo cường độ mà còn để đất xung quanh đủ thời gian phục hồi cấu trúc. Nếu dùng R7, sau 7 ngày mới chỉ đảm bảo cường độ bê tông.

Thực tế, chúng tôi luôn yêu cầu nhà thầu thi công chờ 21 ngày, không nên dùng phụ gia ninh kết nhanh do khó quản lý chất lượng bê tông trong đất, cũng như ko rút ngắn đc thời gian chờ.

4. Tải nén tĩnh cọc là bao nhiêu?

Thông thường, chúng tôi thường thiết kế tải nén tĩnh Ptn = 2*Ptk.

Ptk là sức chịu tải mà thiết kế quy định cho 1 cọc đơn.

Tại sao lại có con số 2?

Con số 2 là vừa khít cho trường hợp thí nghiệm nén tĩnh thành công, thì việc tính toán lại sức chịu tải vừa đủ với giả thiết tính toán ban đầu.

Cụ thể, việc tính toán lại sức chịu tải của cọc được tính như sau:

Đối với công trình cấp I: 1.2 * 1.6 = 1.92. Lấy 2 là hợp lý.

Đối với công trình cấp II: 1.15 * 1.6 = 1.85.

Đối với công trình cấp III: 1.1 * 1.6 = 1.76.

Do đó, với công trình cấp II, III, các bạn có thể lấy giá trị nhỏ hơn 2.

Tham khảo thêm tính toán sức chịu tải của cọc theo kết quả thí nghiệm tại đây.

5. Khi nào thì kết thúc quá trình nén tĩnh cọc?

Kết thúc quá trình nén tĩnh cọc khi đã hoàn thành mục tiêu thí nghiệm theo đề cương nén tĩnh cọc, hoặc cọc thí nghiệm bị phá hoại.

Cọc thí nghiệm bị phá hoại khi tổng chuyển vị đầu cọc vượt quá 10% đường kính hoặc chiều rộng tiết diện cọc; hoặc vật liệu cọc bị phá hoại.

Đề cương nén tĩnh cọc, các bạn tham khảo tại đây.

6. Làm gì khi gặp sự cố khi nén tĩnh cọc?

Khi nén tĩnh có thể gặp trường hợp chuyển vị cọc sẽ vượt quá 10% đường kính/ chiều rộng tiết diện cọc. Chúng ta có thể triển khai các giải pháp sau:

– Kiểm định lại thiết bị, máy nén tĩnh có đảm bảo không.

– Test lại cường độ bê tông của cọc, để đảm bảo cọc đủ cường độ, ko bị phá hoại vật liệu.

– Xem xét khoan bổ sung tại vị trí đó, để kiểm chứng đất nền có đảm bảo đúng theo khảo sát địa chất không.

– Tư vấn thiết kế kiểm tra lại tính toán sức tải cọc theo đất nền, xem xét giảm sức chịu tải của cọc, hoặc thí nghiệm cọc khác để đưa ra quyết định cuối cùng.

7. Xử lý thiết kế với trường hợp cọc gặp sự cố khi nén tĩnh

Với cọc đã vượt quá chuyển vị cho phép, chúng tôi thường yêu cầu không sử dụng cọc đó làm cọc đại trà.

Các cọc thí nghiệm tiếp theo, chúng tôi yêu cầu đơn vị thi công như sau: Nếu thấy ở cấp tải nào mà chuyển vị tăng nhanh đột biến, và khả năng vượt chuyển vị giới hạn thì dừng tải ở đó, chuyển sang quy trình giảm tải về 0.

Sau khi xong toàn bộ cọc thí nghiệm, tiến hoàn tính toán lại sức chịu tải của cọc.

Sức chịu tải giới hạn của cọc sẽ lấy ở cấp tải trước đó, tức cấp tải trước cấp tải gây phá hoại cọc, hoặc cấp tải trước cấp tải có khả năng vượt giới hạn chuyển vị (mục 4.5.3 – TCVN 9393:2012)

Nếu các bạn còn câu hỏi nào hãy inbox vào fanpage của chúng tôi để thảo luận nhé.

———————————————————————————————————–

Xem thêm: Một số file tính và khóa học tại đây.

Download