Cách đưa ánh sáng tự nhiên xuống tầng hầm

Nguồn: Vnexpress

Tầng hầm sẽ được khắc phục nhược điểm không gian kín nếu sử dụng công nghệ đèn mặt trời để tái tạo ánh sáng tự nhiên.

Tầng hầm thường được xem là không gian phụ, với công năng đơn thuần như kho hay gara. Tuy nhiên, khu vực này có thể được thiết kế phòng giải trí, phòng làm việc, phòng ăn, thậm chí là vườn cây, nhờ khả năng chống chọi tốt với thời tiết khắc nghiệt, tạo không gian yên tĩnh và nhiệt độ ổn định.

Để khắc phục nhược điểm về cảm giác tối tăm, ẩm thấp của tầng hầm, song song với cải thiện chất lượng không khí, độ ẩm, thì yếu tố chiếu sáng luôn được các đơn vị thiết kế và gia chủ chú trọng. Một trong những giải pháp đang trở nên phổ biến trên thế giới đó là sử dụng đèn mặt trời.

Dưới đây là một số thông tin về công nghệ, lưu ý khi lắp đặt và chi phí dự kiến của giải pháp này:

1. Công nghệ

Đèn mặt trời là hệ thống quang học ứng dụng công nghệ nano để tái tạo ánh sáng tự nhiên và hình ảnh bầu trời nhân tạo. Ngoài cảm giác nới rộng không gian, người dùng còn có thể trải nghiệm chân thực sự có mặt của bầu trời rộng lớn ngay trong nhà.

Văn phòng làm việc dưới tầng hầm.

Với công nghệ tái tạo ánh sáng tự nhiên, đèn mặt trời cho phép cây cối có thể quang hợp và sinh trưởng, ngay cả trong điều kiện thiếu sáng. Ở các môi trường có độ ẩm cao như trong phòng tắm, hay bể bơi dưới tầng hầm, đèn mặt trời có ưu thế hơn so với các giải pháp chiếu sáng thông thường nhờ khả năng chịu ẩm tốt.

Thực tế, loại đèn này thường được lắp đặt trong không gian thiền định, giúp thư giãn, giảm căng thẳng. Qua một số khảo sát, nếu sử dụng trong môi trường làm việc, đèn mặt trời còn giúp hạn chế tăng sinh melatonin (một loại hormone gây buồn ngủ và chán nản), nên cũng có thể đưa vào các văn phòng làm việc, phòng phục hồi sau phẫu thuật… dưới tầng hầm.

Phòng điều trị dưới tầng hầm.

2. Lưu ý khi lắp đặt

Đèn mặt trời trên thị trường hiện nay có rất nhiều model và kích thước, kiểu dáng khác nhau: dạng khối lớn khoảng 2.500×4.000 mm, dạng vuông, mini, ray hoặc đường chân trời (skyline). Tùy thuộc vào nhu cầu, người sử dụng có thể lựa chọn loại đèn phù hợp.

Về cơ bản, cách lắp đặt cũng tương tự như các hệ thống chiếu sáng khác. Các dụng cụ, trang thiết bị cơ bản cần có gồm: súng bắn vít, xe nâng, thang, giáo… Sau khi lắp đặt, đèn được đấu nối vào hệ thống điện của ngôi nhà, tùy theo yêu cầu sử dụng của gia chủ.

Cần lưu ý, vì mặt gương của đèn mặt trời cực kỳ quan trọng nên người dùng phải kiểm tra rất kỹ mặt gương trước và sau khi lắp đặt. Đầu tiên cần bỏ lớp film bảo vệ và lau mặt gương theo 2 bước: dùng khăn vải mềm ẩm kèm chất khử bụi chuyên dụng để lau toàn bộ bề mặt, sau đó lau bằng vải cotton khô để loại bỏ tất cả chất lỏng dư thừa và làm khô bề mặt.

Phòng rượu và vườn dưới tầng hầm.

3. Chi phí

Đèn mặt trời hiện chỉ sản xuất tại châu Âu, nên giá thành cũng tương đối cao, tùy thuộc vào thương hiệu, model và hình dạng của đèn.

Với các sản phẩm có thiết kế đơn giản, kích thước gọn, nhẹ, giá trung bình khoảng 100 triệu đồng một bộ. Còn những hệ thống lớn, liên kết nhiều module và đòi hỏi hiệu ứng, góc chiếu ánh sáng đặc biệt thì mức giá có thể lên đến vài tỷ đồng. Mức giá trên chưa bao gồm các chi phí vận chuyển, lắp đặt.