Tính toán sức chịu tải của cọc theo kết quả thí nghiệm

Trong tiêu chuẩn TCVN 10304:2014  có nói rằng, phương pháp tính toán sức chịu tải nào của cọc cũng đều mang tính dự báo, cần có thí nghiệm thử tải tĩnh để kiểm chứng giá trị Rc,u.

Thực tế, đối với cọc, sau khi tính toán sức chịu của cọc, chúng ta phải tiến hành thí nghiệm cọc, sau đó kiểm định sức chịu tải của cọc đã tính toán có chính xác không.

Thông dụng hiện này là phương pháp thử nghiệm tại hiện trường bằng tải ép tĩnh dọc trục.

Tham khảo thêm: Đề cương nén tĩnh cọc

Việc tính toán sức chịu tải của cọc theo kết quả thí nghiệm được thể hiện ở mục 7.3.2 TCVN 10304:2014.

Trị riêng về sức chịu tải trọng nén của cọc Rc,u lấy bằng tải trọng thử cọc ứng với độ lún S được xác định theo công thức sau:

S= ξSgh   (1)

trong đó:

        Sgh là độ lún giới hạn trung bình của móng nhà hoặc công trình cần thiết kế và được quy định trong TCVN 9362:2012 Tiêu chuẩn thiết kế nền nhà và công trình, hoặc trong Phụ lục E của tiêu chuẩn TCVN 10304:2014;

        ξ là hệ số chuyển tiếp từ độ lún giới hạn trung bình sang độ lún cọc thử tải tĩnh với độ lún ổn định quy ước (lún tắt dần).

        Hệ số ξ lấy bằng 0,2 khi thử cọc với độ lún ổn định quy ước theo quy định trong TCVN 9393:2012.

Nếu độ lún xác định theo công thức (1) lớn hơn 40 mm thì trị riêng của sức chịu tải của cọc Rc,u lấy bằng tải trọng tương ứng với độ lún S = 40 mm

Đối với cọc có chiều dài lớn, nhất là khi mũi cọc cắm vào tầng đất ít bị nén, biến dạng bản thân cọc là đáng kể, sức chịu tải trọng nén của cọc có thể lấy bằng tải trọng thử cọc ứng với độ lún S, có giá trị bằng độ lún xác định theo công thức (1) cộng thêm phần biến dạng đàn hồi của cọc:

S = ξSgh + Se   (2)

trong đó:

        Se là biến dạng đàn hồi thực tế của cọc, xác định theo công thức:

Se = βNL/(EA)

trong đó:

        N là trị tiêu chuẩn tải trọng nén tác dụng lên cọc;

        E là mô đun đàn hồi vật liệu cọc;

        L là chiều dài cọc;

        A là diện tích tiết diện ngang cọc.

        β là hệ số phụ thuộc vào ứng suất nén phân bố dọc theo chiều dài cọc, có thể lấy β trong khoảng từ 0,3 đến 0,7 – giá trị lớn lấy cho trường hợp cọc xuyên qua các tầng đất yếu cắm xuống tầng ít bị nén, giá trị nhỏ lấy cho trường hợp mũi cọc tựa trên nền đất biến dạng nhiều.

Dựa vào biểu đồ quan hệ giữa tải trọng và chuyển vị, ta lấy chuyển vị tương ứng với độ lún S, tính ra giá trị tải trọng, từ đó tính ra sức chịu tải của cọc.

Thuvienketcau gửi bạn file “Tính toán sức chịu của cọc theo kết quả thí nghiệm” để tham khảo.

Download

Các bạn có thể sơ bộ tính giá trị độ lún S trước, trong quá trình thí nghiệm nếu chuyển vị lớn hơn giá trị độ lún S có thể xem xét dừng thí nghiệm, để bảo toàn cọc, tính sức chịu tải của cọc ở mức nhỏ hơn dự báo ban đầu.